Con tôi

1.
Hôm nay dẫn Bi đi Hollywood Universal Studio cùng mấy người bạn.
Đã biết trước Bi là một đứa trẻ không hoàn toàn như những đứa bé bình thường khác, nhưng khi chứng kiến cảnh con mình bắt đầu khóc và gần như không kiềm chế được nỗi sợ hãi mà nó nghĩ là nó phải đối diện, tôi cảm thấy tim mình như tan thành từng mảnh.
Nói những người bạn cứ tiếp tục đi, tôi dẫn Bi ra khỏi nơi đang xếp hàng đó. Vừa đi vừa ôm chặt vai nó, rồi nắm chặt tay nó, không nói gì hết.
Và nó dịu lại. Rồi đến lượt nó nắm chặt tay mẹ, vẫn giọng dịu dàng nhất mà nó dành cho mẹ, “Mẹ, con sorry mẹ vì làm mẹ không được xem cái đó.”
“ok, con. Hai mẹ con mình đi coi cái khác.” Tôi lại ôm chặt vai nó, hôn lên đầu nó. Nó đã cảm thấy bình an. Đến lượt tôi thấy lòng mình dịu lại.
2.
Bi không hẳn là một đứa bé bị autism, nhưng nó có một vài dấu hiệu của những đứa bé autism.
Tôi nhận ra những khác thường của con mình trước khi tôi biết đến từ autism và viết nhiều loạt bài về căn bệnh đó.
Bi hay đi nhón chân, hay rúm ró người lại mỗi khi bị mẹ cắt móng tay, móng chân, nhất là móng chân. Bi sợ tiếng ồn, nhất là tiếng người nói lớn, la lớn. Bi sợ bóng tối. Và Bi sợ một mình.
Khi Bi ngồi một mình, Bi luôn có trong tay một cái gì đó để mân mê và để cắn. Trong nhà có rất nhiều món đồ in hằn dấu răng Bi: từ cái ống hút, đến cây viết, cây thước, từ cái remote TV đến cái điện thoại, cái gì cầm được trong tay Bi đều có thể đưa vào miệng để cắn. Có cái nó cắn đến nát. Thậm chí có lần cái ly thủy tinh đưa vô miệng uống nước nó cũng cắn bể miệng ly. May sao là không chảy máu. Bi cũng tự nhận ra cắn ly là có thể chảy máu nên nó không cắn ly thủy tinh nữa.
Bi không thể chờ đợi. Sự chờ đợi làm nó bức rứt, khó chịu, và đôi khi nó trở nên cộc cằn bởi sự chờ đợi.
Nó sẽ cảm thấy thực sự giận dữ khi bị cắt ngang lời nói trong khi nó chưa hoàn tất điều mình muốn nói.
Bi có nhiều điều mà nếu không phải là mẹ nó thì nó đã bị la hay bị đòn. Nhưng khi bị la hay bị đòn, Bi lại càng trở nên khiếp hãi, và hoảng loạn.
Với Bi, tôi luôn phải giữ một thái độ bình tĩnh và dịu dàng đến mức tối đa. Khi hành động của nó làm tôi bực tức, tôi chọn sự im lặng. Chỉ có im lặng thì Bi mới tự bình tĩnh lại, và không lâu sau đó, nó lại lẩn quẩn bên mẹ, “Con xin lỗi mẹ…” và nó sẽ làm bằng mọi cách đến khi nào mẹ nó cười với nó, ôm nó, nó mới cảm thấy yên tâm.
3.
Tôi vẫn nhớ, sau loạt bài tôi viết về bệnh tự kỷ Autism, có độc giả đã gọi cho tôi và nói rằng, “có phải trong gia đình cô cũng có người bị tự kỷ? Bởi  cô đã viết bằng tấm lòng của một người trong cuộc.”
Như một thói quen, tôi thường chỉ cám ơn và cười trước những lời nhận xét của người đọc về những bài báo của mình (chứ không có kiểu buôn dưa lê như trên blog). Tôi không có thói quen nói về hay nói thêm những điều mình đã viết.
Tôi chỉ biết, tự tôi, tôi viết từ cảm xúc của những người mẹ, người cha, có con bị tự kỷ.
Bi không là một đứa trẻ tự kỷ. Nó chỉ có những dấu hiệu, mà có lần người bạn tôi – thầy dạy trong trường Bi đã gọi điện cho tôi để tỏ sự lo lắng, “Tao nghĩ con mày bị autism, bởi tao quan sát thấy nó hay như thế này thế này trong trường…” Nhưng rồi sau đó, bạn tôi lại “sung sướng” gọi báo, “tao đã thấy nó chơi với bạn bè…”
Bi không là đứa trẻ bị tự kỷ. Nhưng nó là đứa trẻ cần có một sự quan tâm và đối xử khác, rất khác.