Nhật ký ngày thứ bảy

1.
 Hôm nay là ngày Mother’s Day.
Đây là quà của Bi tặng Mẹ. Bi nói Bi làm có ba góp ý một chút 🙂

Ngày Mother’s Day, như mọi năm, mấy anh em tôi lại tụ lại ở nhà ba má, ăn uống.
Năm nay, có thêm 2 đứa bạn tôi cùng dự. Vui. Không ai đến đại gia đình tôi vào những dịp như thế này mà có thể nói buồn được.
(Hôm nay nhớ Lún, nhưng không dám gọi…)
2.
Chở thằng bạn đi nhà thờ kiếng.
Nhà thời kiếng tên thực là gì tôi không thể nhớ. Cứ mỗi lần muốn đến đó, hay chỉ cho ai, cần lấy địa chỉ, tôi chỉ cần gõ “Crystal Church” là nó ra ngay, mà hình như tên đó cũng gần gũi hơn với mọi người bình dân học vụ như tôi.

Trong khi thằng bạn tôi xuýt xoa trầm trồ, tôi lại có một cảm giác khác.

Cảm giác có gì đó tàn tạ bởi sự lãng quên, bỏ mặc đang diễn ra nơi ngôi nhà thờ này.
Những lần tôi đến trước đây, tôi cảm nhận được sự trong suốt của pha lê, của những tấm gương được dùng để dựng nên ngôi nhà thờ lộng lẫy này. Sự trong suốt đó còn đến từ những dòng nước đổ ra từ những bậc thang, từ những bức vách. Vẻ đẹp quý phái của ngôi nhà thờ còn đến từ sắc xanh mướt của cây, của cỏ, từ sắc màu của bao nhiêu là hoa, là lá.
Lần này, nước đã không còn chảy. Ngọn đuốc cứ bập bùng cháy nơi một bức tượng Chúa đã tắt ngúm. Các mặt hồ thôi không còn nước. Và cỏ cây cũng bớt xanh hơn. Hoa xác xơ hơn, dù vẫn còn đang Xuân.

Và hơn hết, pha lê như nhuốm bụi

Tôi chợt nhớ tôi đã đọc đâu đó rằng ngôi nhà thờ này đứng trước một món nợ rất lớn…
Cảm thấy hụt hẫng.

3.

Chở thằng bạn lên Chùa Đài Loan. Tên thực ngôi chùa là gì tôi cũng không thể nhớ.
Khác với Nhà Thờ Kiếng, chùa Đài Loan vẫn ngạo nghễ đứng trên ngọn đồi đẹp không thể tả.
Có điều, khi tôi đến, chỉ còn 5 phút nữa là chùa đóng cửa.
Không thể chạy xe vô, tụi tôi phải leo dốc đi bộ từ ngoài cổng.
Đứng từ trên nhìn xuống thành phố bên dưới, trong bóng chiều âm u, trong gió chiều lồng lộng, có cảm giác như những lần đứng từ trên cao nhìn xuống thành phố Đà Lạt, dù Đà Lạt không thể nào sánh được với nơi đây. Nhưng có lẽ Đà Lạt gần gũi và gắn bó, nên dễ đưa mình đến một liên tưởng thân quen.
Mà sao chùa lại phải có giờ đóng cửa nhỉ?
4.

Không hiểu sao, khi đọc những bài viết nhớ về tuổi thơ, nhớ về những kỷ niệm với ông bà, với mẹ cha, với những vùng quê của Lún, của Gác Xếp, của nhiều người, tôi vừa ngưỡng mộ, vừa có một cảm giác gì đó như ganh tị. Hình như tôi không có những điều đó…

5.
Ngày Lễ Mẹ, tôi lần kiếm lại một bài tôi đã viết về Má cách đây đã 3 năm


Chủ Nhật này, 11 tháng 5 là ngày Mother’s Day.
Cách đây mấy ngày, khi vừa đi làm về tới nhà, thằng Bi chạy ra tíu tít: “Mẹ ơi, Sunday này là Mother’s Day. Cô con dạy làm cái heart có ghi letters trong đó, Friday con sẽ mang về tặng mẹ…”.
Ðến tối, lại thấy nó xin tờ giấy, xong chạy qua ba nó hỏi nhỏ: “Ba ơi, how to spell ‘Con thương mẹ?’.” Lát sau, nó lại chạy đến kêu: “Mẹ close eyes của mẹ và đưa hand của mẹ ra.” Nó đặt vào tay tôi tờ giấy vẽ hình trái tim, trong có dòng chữ nguệch ngoạc “Con thương mẹ”!
***
Tôi nhớ cách đây nhiều năm, tôi dự 1 cuộc thi thuyết trình, và đề tài tôi bốc thăm được là nói về cha của mình. Chỉ là 1 mảnh rất nhỏ trong toàn bộ cuộc đời ba. Giám khảo, khán giả lặng đi. Tôi giành giải nhất cuộc thi. Ðó là lần đầu tiên trong đời (cho đến tận bây giờ) tôi kể về ba tôi.
***
Thế vẫn còn hơn là những điều nói về má. Có lẽ trong 7 anh chị em trong nhà, tôi là đứa duy nhất chưa bao giờ nói 1 cách trực tiếp với ba má tôi rằng: Con thương ba má. Cũng chẳng biết sao nữa. Những điều tôi viết ra bằng chữ thường ‘nói’ nhiều hơn những điều tôi nói ra bằng lời. Nhưng hình như chưa bao giờ tôi viết về ba má tôi (ngoại trừ bài thi năm đó).
***
Có đứa bé 7- 8 tuổi đầu vừa đi lượm củi vừa ghé mắt vào nhà thờ xem mấy sơ dạy chữ. Ông cha thấy xin cho vào học ké, vừa biết ráp vần thì các sơ không muốn cho học nữa vì không có tiền đóng…
***
Ðứa bé gái mới 9 tuổi đầu, đi ở mướn cho gia đình họ hàng để lấy tiền mua thuốc cho mệ (mẹ). Những khi nó được chủ cho về thăm nhà (chỉ 1 đêm), nó sẽ phải làm việc nhiều hơn, và lúc đi chợ tranh thủ mua 1 ít thuốc hút cho ngoại, 1 ít bánh gì đó cho mẹ. Công việc hoàn tất thì đêm cũng đã khuya, nó lội bộ thật nhanh về nhà cũng đã giữa khuya, kêu cửa, đưa quà, và đi ngủ. Hừng sáng, mệ kêu dậy đi làm. Nó vừa đi vừa khóc: Giá như đêm nay nó hãy về thăm mệ!
***
Rồi mẹ mất, cô bé mới mười mấy tuổi đầu trốn nhà chủ, bỏ xứ ra đi…
***
Lấy chồng sớm, làm mẹ năm 16 tuổi trong hoàn cảnh cùng cực của cái nghèo… Cái thèm chua của người mang bầu mới là cay nghiệt, không tiền, chỉ hái lá cóc nhai cho đỡ cơn thèm… Lại thêm những lời ‘chửi chó mắng mèo’ của ông nội cũng bởi tại cái tội nghèo…
***
Chưa đầy 20 tuổi, 1 nách 3 con, chồng đi lính. Những đêm bồng con lên nhà thương thí, chạy tìm bác sĩ, ăn cơm ‘từ thiện’… Rồi chị Hai mất vì bệnh tim khi tròn 6 tuổi, ba má lén ôm xác con trốn về…
***
Ðó là những câu chuyện đứt quãng tôi góp nhặt qua nhiều lần nghe má kể về đời mình. Chưa bao giờ tôi nghe trọn câu chuyện… bởi tôi không chịu nổi…
***
Cả 7 anh em tôi đều được đến trường trong những năm khốn khó nhất sau 75, bởi “ba má đã thất học, không tiền không tiếng, chỉ cho con được cái chữ đề phòng thân”. (Ðó cũng là lý do vì sao trong suốt những năm tôi đi dạy, tôi vẫn thường động viên những đứa học trò nghèo hãy cố học, vì chỉ có học mới mong thoát ra khỏi cái nghèo).
***
Cái nhọc nhằn của những năm tháng gánh nước mướn, gánh nước đá cây khi mới vừa sinh xong, của những lo toan bươn chải cùng ba để nuôi anh em tôi nên vóc nên hình sau nhiều năm kiềm nén giờ đây đã hiện hình rất nhiều qua những cơn đau bất chợt…
***
Tôi vẫn chưa biết tại sao mình không thể như thằng Bi, như bé Ty chạy đến ôm má mà nói: “Con thương má lắm!”, mà tôi chỉ thường đến cạnh má khều 1 cái, chọc 1 cái, và nói những câu tưng tửng…
Tôi vẫn là đứa ít nói và kín đáo nhất trong nhà.
 Nhưng có lẽ má hiểu: Má trong tôi lớn như thế nào!
***

Đến giờ, tôi vẫn như vậy, chưa bao giờ tôi nói trực tiếp với Má, “Con thương Má.”
Tôi chỉ đến ôm Má. Vậy là Má hiểu.
Má ngày càng trở nên lớn hơn, rất nhiều, trong tôi.