Sống như ngày mai sẽ chết

“Chị bị gù. Chị làm nghề massage. Chị làm cho tất cả khách mà những người thợ khác từ chối. Có khách bị tiểu đường, có khách đến massage còn mang theo túi phân bên người, có khách chỉ cho vài ba đồng tiền tip, có khách cằn nhằn khó chịu. Chị không màng. Chị làm hết. Bằng trái tim.

Bởi chị biết mình không còn sống được lâu

Chị phải hoàn thành một giấc mơ.”

Đó là những điều tôi được nghe người ta kể về chị, một người thợ “massage therapy” có tên Phạm Ngọc Diệp.

Căn bệnh “sính ngoại!”

Sau cuộc nói chuyện ngắn qua điện thoại, cùng vài lần xê dịch, điều chỉnh giờ hẹn, cuối cùng tôi cũng có thể gặp mặt người thợ massage “đặc biệt” đó tại một trong những nơi làm việc của chị trên đường Beach, thuộc thành phố Huntington Beach.

“Tôi mắc bệnh lupus. Bác sĩ nói người bệnh lupus có thể sống từ 3 đến 5 năm, mà ở Việt Nam thì chưa ai sống quá 6 năm. Người bệnh này có thể tử vong trong 24 tiếng nếu bệnh tấn công vào tim.”

Chị Diệp bắt đầu câu chuyện bằng cách tâm sự về “án tử” mà chị đang mang.

Chị kể, chị mắc căn bệnh đó ở Việt Nam khoảng 2 năm, nhưng “bác sĩ không chẩn đoán ra.” Chị gửi xét nghiệm qua Singapore, và được cho biết chị mắc bệnh “lupus,” gọi nôm na là bệnh ban đỏ hệ thống.

“Khi đó tình trạng sức khỏe tôi tệ lắm. Với bệnh này, một khi nó bộc phát thì nó phá toàn bộ hệ thống miễn dịch của cơ thể. Tôi hên là chưa bị bệnh tấn công vào nội tạng, chỉ mới bị ở da, và xương thôi. Các khớp xương đều viêm, đau nhức, không cử động được.” Chị Diệp mô tả căn bệnh của mình.

“Khi bệnh bộc phát, mình cảm thấy mình không còn là người nữa, miệng lở hết, rồi tiêu chảy. Thức ăn phải xay hết ra rồi đưa ống hút vào hút, mà cổ cũng không nhúc nhích được do đau. Người cứ cứng ngắc, không nhúc nhích được, cử động như robot vậy đó.”

Khi bệnh vừa phát, khoảng năm 2003, thì chị cho đứa con trai lớn đi du học ở Canada. Con đi học được 2 tháng, gọi điện về nhà bảo “con bệnh, viêm phổi, sốt vì bị đi lạc trong bão tuyết.”

Hình dung cảnh con trai 6, 17 tuổi, sống một mình nơi xa lạ, không người thân thích, không đủ tiền vào bệnh viện, chị nóng ruột, bay qua thăm con, mang theo một số thuốc “đủ cho con uống trong vài năm.”

“Lúc đó cứ nghĩ mình chết không à, nên thôi cứ đi thăm con, chứ đâu biết ngày sau ra sao.” Trái tim người mẹ thôi thúc chị ra đi, dù rằng “trên máy bay tôi cứ nằm dài, không nhúc nhích được.” Người phụ nữ có gương mặt hiền lành nhớ lại.

Ở với con trai một tháng, con hết bệnh, chị định quay về nhưng “thấy con sống một mình buồn quá, trong vòng có một vài tháng nó xuống 9 ký.” Thế là chị tiếp tục lấy tiền dành dụm ra mướn một căn “apartment” ở với con, chăm sóc con.

Trong thời gian đó, chị Diệp nhớ lại, “như có một phép màu, tuy trời lạnh, suốt ngày chỉ ở trong nhà nhưng tôi cảm thấy mình khỏe dần. Cứ mỗi sáng thức dậy, lại thấy mình khỏe hơn một chút.”

Được một năm, khi con vào đại học, cũng là lúc visa hết hạn, chị Diệp trở về Sài Gòn.

“Bệnh tình tôi trong thời gian ở Toronto đỡ bao nhiêu thì khi về đến Sài Gòn đâu chừng một tháng nó lại tái phát nhanh.” Bác sĩ cho chị hay bệnh chị sẽ khá hơn, cuộc sống chị sẽ kéo dài hơn nếu chị ở một nơi “không nóng không nắng.”

Chị cười nói, “Bệnh gì nghe có đáng ghét không? Bệnh ‘sính ngoại’ mà, phải ở xứ sở này thì nó mới đỡ, mới có thể kéo dài cuộc sống.”

Ly dị để chồng có một cơ hội

Cùng thời điểm đó, giấy tờ bảo lãnh gia đình chị đi định cư sang Mỹ mà người chị ruột chị làm từ mười mấy năm về trước cũng tới hạn. Có điều, “phần nghe tôi bệnh, phần thấy tôi còn có một đứa con gái nhỏ nên họ đổi ý, không muốn lãnh nữa.”

Cuối cùng, vì muốn kéo dài hơn cuộc sống của mình, chị Diệp “năn nỉ” và gia đình người chị gái đồng ý bảo lãnh chị Diệp sang Mỹ với điều kiện “chỉ đi một mình, và khi sang đến Mỹ thì đừng làm phiền gì đến họ.”

Chị suy tính, “Tôi nghĩ mình sang đây như một cách đi dưỡng bệnh, có điều đi bảo lãnh thì tiền đỡ hơn là đi du lịch.”

Chuyện tính nghe ra rất dễ, nhưng để chu toàn mọi điều trước chuyến đi xa mà không biết là mình có còn cơ hội quay trở về được nữa hay không, chị Diệp đã phải đi đến một quyết định nghiệt ngã: ly dị chồng.

“Lúc đó hai vợ chồng còn đang dễ thương lắm. Ảnh là người bạn trai đầu tiên và cũng là chồng tôi. Biết nhau thời đại học, những lúc 2 đứa cùng đón xe bus đến trường, rồi ra trường thì cưới nhau, sống rất êm đềm…”

Chị tâm sự bằng giọng nói nhỏ và ánh mắt dường như đang ở nơi nào.

Với căn bệnh ‘lupus,” chị Diệp phải dùng thuốc suốt đời. “Mà thuốc thì có nhiều tác dụng phụ, có thể gây tiểu đường, phá gan, cao cholesterol, tim đập nhanh, da khô, mắt khô và các tuyến trong người đều bị khô. Đặc biệt người bệnh không còn ham thích chuyện sinh hoạt vợ chồng nữa. Lúc đó, tôi cũng đã uống thuốc được vài năm rồi.”

Chị dừng lại một thoáng trước khi nói tiếp, “Nhưng tất cả không quan trọng bằng, sẵn một dịp tôi đi xa, sẵn một dịp tôi bị bệnh như vậy, tôi muốn cho chồng tôi một cơ hội.”

Chị nhìn vào mắt tôi. Tôi lại cảm giác như chị đang thấy người ngồi trước mặt chị là cha của các con chị.

“Em đi không biết có trị được bệnh hay không, sống chết thế nào, bên Mỹ ra sao, chỉ hy vọng là thời tiết sẽ làm em đỡ. Anh lập gia đình đi, nếu như gặp được người vừa ý, bởi anh còn quá trẻ. Nếu anh có gia đình, em sẽ lo con. Anh phải có một cuộc sống mới, phải có người vợ khỏe mạnh chăm sóc anh, chứ như bây giờ, anh phải nuôi bệnh suốt đời. Em cứ mỗi ngày mỗi yếu đi chứ không mạnh lên được. Em không muốn kéo anh đi chung.”

Giọng chị đều đều.

Chị không rơi nước mắt khi kể lại.

Nhưng một điều gì đó cứ như buốt chặt không gian.

“Con đường đó là con đường nghiệt ngã, nhưng mỗi người có cái nghiệp. Tôi không muốn ai đi cùng mình hết.” Chị tiếp.

Dĩ nhiên là người chồng đã không đồng ý, nhưng “tôi kiên quyết ly dị.”

Chị nhất quyết như vậy bởi chị biết “cả hai gia đình đều rất thương yêu tôi. Tôi đi, không biết sẽ có ngày trở về hay chết bất đắc kỳ tử. Tôi không muốn ai trách móc khi anh có cơ hội quen và muốn lập gia đình với một cô gái khác.”

“Hãy làm điều gì mà anh cảm thấy vui, đừng sợ là phải giấu em. Nếu anh muốn có người chia sẻ buồn vui, anh cứ chia sẻ. Hãy xem em như người bạn, khó kiếm được người bạn như vậy, đừng ngại. Có điều giờ này em bệnh, anh chăm sóc con dùm em, khi nào em khỏe, em còn sống, anh có gia đình mới, em sẽ mang con theo em.” Chị đã nói với chồng như thế.

Và, “Ảnh khóc trong ngày ký đơn li dị.”

Nói vậy rồi chị đi, để lại đứa con gái nhỏ nhờ anh chăm sóc.

“Lúc bước chân ra sân bay tôi cảm thấy tức đến khóc òa. Nhìn qua phòng cách ly, thấy gia đình mình đó, ba má mình đó, con mình đó, bạn bè mình đó, mà mình không ở được.” Chị vừa nói vừa cười, cố ngăn những giọt nước mắt chực trào ra.

Đó là một ngày gần cuối năm 2007.

Làm nghề massage bằng niềm đam mê

Từ Sài Gòn, chị Diệp bay thẳng sang California, tới ở nhờ nhà một người bạn.

Qua được mấy ngày, đọc báo thấy “tiệm Như Ý cần người nấu chè,” chị Diệp tìm đến xin việc.

“Mắc bệnh này như trúng số độc đắc,” chị cười kể tiếp. “Bao nhiêu tiền bạc đều đội nón ra đi, nên bằng mọi cách sang Mỹ vừa để dưỡng bệnh, vừa kiềm tiền trả nợ chi phí du học cho con.”

Chị thừa nhận, lúc mới qua cũng bị “shocked” khi từ một bác sĩ thú y, chủ một văn phòng chữa bệnh chó mèo ở Sài Gòn, có văn phòng bán thuốc thú y cho toàn miền Nam, “nay trở thành một người làm công rẻ mạt. Cũng có lúc buồn, do quá mệt, nhưng không thể nghĩ đến chuyện bỏ cuộc, bởi phải đi làm để có tiền cho con tôi chứ.”

Chị tính, “mỗi tháng phải gửi cho con phụ tiền học $1,000, rồi phải làm để trả nợ đã mượn cho con. Nên sống chết gì cũng phải làm. Có việc làm là mừng rồi.”

Trong thời gian làm việc ở Như Ý, thấy cạnh trường có dạy massage therapy, lại thêm gặp được người quen đang dạy tại đó, thế là chị Diệp ghi danh đi học, “cho vui thôi.” Chị nghĩ vậy. Tuy nhiên, “càng học càng mê.”

Sau gần cả năm vừa đi làm vừa đi học, chị Diệp cũng lấy được chứng chỉ “massage therapist” và bắt đầu đi làm cho một văn phòng bác sĩ.

Người thợ massage nhớ lại, “Lúc đầu đi làm, phần thực hành còn yếu lắm, nhưng rồi cứ xem thêm các băng đĩa, nên chỉ sau 6 tháng, tôi thấy mình đã trở nên vững vàng hơn với nghề.”

Tôi nhìn bàn tay người thợ massage. Người dùng đôi tay mình để làm dịu nỗi đau của người khác lại là người đang mang căn bệnh viêm khớp, sưng khớp.

“Làm massage như vậy tay chị có đau thêm?” Tôi ái ngại hỏi khi nhìn thấy những khớp ngón tay chị Diệp hoặc như sưng vù, hoặc như biến dạng.

‘Đau lắm chứ,” chị trả lời ngay, trong lúc tự xoa các khớp tay cho mình, “nhưng ‘no choice,’ tôi không còn sự lựa chọn.”

Dù rằng nói đó là sự lựa chọn chẳng đặng đừng nhưng chị Diệp lại “làm nghề massage bằng niềm đam mê.”

Chị có vẻ rất hào hứng mỗi khi nhắc đến công việc mà chị đang theo đuổi. “Massage là ngành có liên quan đến ‘health care,’ nên mình cần phải có tấm lòng. Có điều mình có tấm lòng mà mình không có kiến thức cũng trở thành tai hại, nên phải có cả hai. Cho nên ngay cả bây giờ, mỗi tối về nhà, sau khi làm bài tập tiếng Anh xong, tôi vẫn cứ hay xem băng đĩa hay đọc thêm sách về massage therapy.” Chị khoe.

Là người làm nghề phục vụ khách hàng trực tiếp, nhưng chị Diệp không có được môt ngoại hình “dễ nhìn” như người ta vẫn nghĩ.

Ngoài chứng bệnh “lupus” mà hậu quả nhận ra ngay từ những vết như nám quần thâm trên mặt, các khớp xương tay trông có vẻ như gồ ghề bởi chứng viêm khớp, chị Diệp còn bị di chứng còng lưng, trông như người bị gù.

Đó là hậu quả của một tai nạn giao thông năm chị Diệp 14 tuổi. “Nứt 4 đốt xương sống. May là không bị liệt,” chị lại cười lạc quan.

Dẫu thế, ai đã một lần được chị massage qua rồi lại thì không bao giờ nhìn chị ở vẻ bề ngoài nữa, mà “họ nhìn mình bằng trái tim.”

“Bằng cách nào chị để lại những ấn tượng tốt đẹp đối với khách hàng, với chủ, với đồng nghiệp?” Tôi thắc mắc.

Chị Diệp chia sẻ, “Làm việc gì, làm ở đâu mình cũng hãy làm hết lòng, và phải làm như mình làm chủ.”

“Với nghề massage, thứ nhất là do tôi thích. Thứ hai, tôi đã từng đau, nên cảm nhận được nỗi đau nhức là như thế nào. Là một người khách, không ai là không cảm nhận được sự khác biệt giữa một người thợ tận tâm và một người thợ hời hợt.”

Chị kể, có người khách bị ung thư, lúc nào tới làm massage cũng đưa trước $30 đồng, tiền công một giờ là $27, còn lại 3 đồng “tip” cho người thợ. Không ai muốn làm cho người khách đó, phần thì tiền tip không nhiều, phần vì “lúc nào bà cũng mang một túi phân bên cạnh, hôi hám lắm, mỗi lần làm xong là phải clean hết cả phòng, cả bàn ghế.” Nhưng chị vẫn làm, “Người ta bệnh, người ta tìm đến mình, lý do gì mình từ chối?” Chị giải thích.

Có điều đặc biệt, khi massage, chị Diệp không dùng găng tay thông thường “Nếu mang bao tay, người khách sẽ không cảm giác được, không “feels” được sự xoa bóp trị liệu.” Khi cần thiết, chị dùng loại bao tay “vô hình” tức dùng một loại thuốc xịt để bảo vệ an toàn cho bản thân.

Chị Diệp tâm niệm, “Khi làm chuyện gì mình nghĩ đó là bổn phận và trách nhiệm thì mình sẽ thấy công việc nhẹ nhàng. Khi mình muốn thoái thác, từ chối thì mình sẽ cảm thấy mệt mỏi.”

Cố hoàn thành một giấc mơ đoàn tụ

Có nhiều khách hẹn, thu nhập ổn định, công việc đều đặn, chị Diệp cảm thấy hài lòng khi nhẩm tính nhiều khoảng nợ nần có thể trả hết vào cuối năm nay.

“Trả nợ xong là sẽ đi chơi đó. Tôi đã có kế hoạch đi chơi trong đầu rồi,” vẫn bằng nụ cười không chút vướng ưu phiền, chị Diệp khoe tiếp.

Dẫu đã sang Mỹ, chọn California là vùng khí hậu thích hợp cho việc dưỡng bệnh, nhưng chị Diệp cũng cảm nhận rằng sức khỏe chị bắt đầu xuống dốc, các khớp biến hóa nhiều. Có điều, “Bây giờ tôi khỏe ngày nào mừng ngày đó. Tôi cảm thấy ‘enjoy’ với cuộc sống, không ôm nỗi buồn vào lòng, để làm gì kia chứ!” Chị lại cười.

Ước mơ hiện giờ của người phụ nữ không gục ngã trước số phận đó “chỉ là muốn đoàn tụ với hai đứa nhỏ.”

Mắt chị long lanh, “Giờ này tôi còn chờ cái gì, mong muốn cái gì nữa chứ? Còn ngày nào thì mong sum họp với con ngày đó, chăm sóc con ngày nào hay ngày đó.”

Khi bài viết đã xong, tôi nhận được email của chị. Trong đó, chị viết:

“Hãy cho tôi có một cơ hội để nói lên lòng tri ân chân thành đến những người bạn thân thương luôn bên cạnh lúc tôi gặp khó khăn, bệnh hoạn và đơn độc; đến những người chủ mà tôi đã làm việc qua, đã không vì tuổi tác và vóc dáng, mà cho tôi cơ hội làm việc và học hỏi.

Tất cả đã giúp tôi tự tin hơn trong cuộc sống và cảm nhận được vị ngọt của tình người.

Tôi biết, rồi đến ngày nào đó, tôi cũng phải đi xa. Tôi ra đi với tất cả lưu luyến vì cuộc đời quá dễ thương.”

“Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, tôi có thêm ngày nữa để yêu thương.”